Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2012 được bố cục thành 06 phần, 12 chương, 142 điều quy định về xử phạt vi phạm hành chính (hình thức, thẩm quyền xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt); các biện pháp xử lý hành chính (thẩm quyền, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng, thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hánh chính và các biện pháp ngăn chặn) và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.
Dưới đây là một số điểm mới của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012:
1. Về nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính (Theo Điều 3): Nhằm tạo cơ sở cho việc xử phạt vi phạm hành chính công bằng đúng quy định của pháp luật, một số nguyên tắc xử phạt mới được quy định như nguyên tắc bảo đảm công bằng, công khai, khách quan; người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm áp dụng các biện pháp hợp pháp để chứng minh vi phạm hành chính; cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chinh.
2. Về các hình thức xử phạt (Theo Điều 21):
Luật quy định có 05 hình thức xử phạt vi phạm hành chính với việc áp dụng linh hoạt, trong đó có 02 hình thức cảnh cáo, phạt tiền là hình thức xử phạt chính và 03 hình thức gồm tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; trục xuất có thể được quy định là hình thức xử phạt bổ sung hoặc hình thức xử phạt chính..
3. Về mức phạt tiền (Theo Điều 23, 24, Luật Xử lý vi phạm hành chính): Mức phạt tiền tối thiểu và tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính được quy định tăng cao từ 50.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 100.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức (mức xử phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiến đối với cá nhân) so với mức phạt tiền trước đây của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính là từ 10.000 đồng đến 500.000.000 đồng nhằm bảo đảm hiệu quả của việc xử phạt vi phạm hành chính, đáp ứng nhiệm vụ phòng, chống vi phạm hành chính trong thời kỳ hội nhập.
4. Về thẩm quyền xử phạt:
- Điều 38 đến điều 51 (Luật Xử lý vi phạm hành chính) quy định thẩm quyền xử phạt của các chức danh theo tỉ lệ phần trăm đối với mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực và có khống chế mức trần so với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính trước đây quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo một mức phạt tiền cố định đối với tất cả các chức danh.
- Đồng thời Luật cũng tăng thẩm quyền xử phạt cho cấp cơ sở nhằm góp phần nâng cao tính kịp thời và hiệu quả của việc xử phạt vi phạm hành chính, hạn chế dồn việc xử phạt lên cơ quan cấp trên.
Cụ thể:
1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 5.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức xử phạt tiền được quy định tại điểm b khoản này;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều 28 của Luật này.
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 50.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, đ, e, h, i và k khoản 1 Điều 28 của Luật này.
(Trích Điều 38, Khoản 1, 2, Luật Xử lý vi phạm hành chính)
5. Về quyền giải trình (theo Điều 61, Luật Xử lý vi phạm hành chính): Để tránh tình trạng quan liêu, áp đặt của cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi tiến hành xử phạt, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã bổ sung nội dung mới về quyền giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm bằng hình thức giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản đối với hành vi vi phạm hành chính mà pháp luật quy định áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc áp dụng mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, và cơ quan tiến hành xử phạt có trách nhiệm phải xem xét ý kiến giải trình của người vi phạm, phải tiến hành xác minh hành vi đối tượng vi phạm trước khi ra quyết định xử phạt.
Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2013, (trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014).