Ủy ban nhân dân Quận 3 thông tin, hướng dẫn đến các chủ hộ kinh doanh nắm rõ các quy đinh về Hồ sơ đăng ký Hộ kinh doanh được quy định tại Điều 87 Nghị định số Số 01/2021/NĐ-CP ngày ngày 04 tháng 01 năm 2021 của Chính Phủ bao gồm:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ gồm:

- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;

- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;

- Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;

- Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Đăng ký hộ kinh doanh được thực hiện tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh. Nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng dịch vụ công theo Link: https://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn/ (chọn Quận 3)

Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả

Khi tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ hoặc người thành lập hộ kinh doanh biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có).

Nếu sau 3 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thì người thành lập hộ kinh doanh hoặc hộ kinh doanh có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Bước 4: Đăng ký mã số thuế & khai thuế ban đầu tại Chi cục Thuế Quận 3:

1. Đăng ký mã số thuế (trực tiếp tại Chi cục Thuế quận/huyện hoặc qua cổng thuế điện tử).

2. Khai thuế khoán (thuế môn bài, thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT nếu có).

3. Mua hóa đơn (nếu cần) để hợp thức hóa thu chi.

Bước 5: Đảm bảo các điều kiện theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT

1. Phù hợp về bằng cấp chuyên môn (có bằng đại học đúng chuyên ngành hoặc chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm).

2. Đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất (diện tích phòng học, ánh sáng, phòng cháy, chữa cháy).

Ngoài các giấy tờ trên, tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh dạy thêm còn phải thực hiện công khai thông tin về môn học, thời gian, địa điểm, danh sách giáo viên và mức học phí trên cổng thông tin điện tử hoặc tại trụ sở theo quy định của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT. Hồ sơ đăng ký được nộp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh.