 | A. TÓM TẮT TIỂU SỬ Ông TRƯƠNG TẤN SANG - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng. - Cử nhân Luật, Cao cấp Chính trị. - Đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI. - Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khóa IV, V. Ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XIII Bầu cử ngày 22 tháng 5 năm 2011 |
Đơn vị bầu cử số 1: Quận 1, quận 3, quận 4.
Ông TRƯƠNG TẤN SANG, sinh ngày 21 tháng 01 năm 1949. Quê quán: xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Hiện cư ngụ tại số 51 Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội.
Quá trình công tác của Ông như sau:
- Từ năm 1966 đến năm 1968: Ông là Tổ Trưởng thanh niên, xây dựng cơ sở mật trong sinh viên, học sinh (PK2);
- Từ năm 1969 đến năm 1971: Ông là Đảng ủy viên, Bí thư Đoàn thanh niên phụ trách Đội võ trang mật thị trấn Đức Hòa (Long An);
- Từ năm 1971 đến năm 1973: Ông bị địch bắt, bị giam giữ ở nhà tù Biên Hòa, Phú Quốc. Đến năm 1973, được trao trả theo Hiệp định Pa-ri;
- Từ năm 1973 đến tháng 4 năm 1975: Ông là cán bộ tổ chức Ban T.72 thuộc Ủy ban thống nhất Trung ương (Hà Nội);
- Từ tháng 4 năm 1975 đến tháng 10 năm 1978: Ông là cán bộ Công đoàn Gia Định, Phó ban Xây dựng Kinh tế mới thành phố, Bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các nông trường và Khu Kinh tế mới thành phố Hồ Chí Minh;
- Từ năm 1979 đến tháng 8 năm 1983: Ông là Huyện ủy viên, Giám đốc Nông trường Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh, Thành ủy viên dự khuyết.
- Từ năm 1983 đến năm 1986: Ông là Giám đốc Sở Lâm nghiệp, Thành ủy viên phụ trách lực lượng thanh niên xung phong và Ban Kinh tế mới thành phố Hồ Chí Minh;
- Từ năm 1986 đến năm 1990: Ông là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư huyện ủy Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 1988, Ông được cử đi học ở Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc Trung ương (Hà Nội);
- Từ năm 1990 đến năm 1991: Ông là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp;
- Từ năm 1991 đến năm 1992: Ông là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh;
- Từ năm 1992 đến năm 1996: Ông là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh;
- Từ năm 1996 đến tháng 01 năm 2000: Ông là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh;
- Từ tháng 01 năm 2000 đến năm 2006: Ông là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương;
- Từ năm 2006 đến nay: Ông là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Ông đã được tặng thưởng: Huân chương kháng chiến hạng III.
Ông TRƯƠNG TẤN SANG được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu ra ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII, đơn vị bầu cử số 1: Quận 1, quận 3, quận 4.
B. CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
Tôi tên : TRƯƠNG TẤN SANG
Sinh ngày 21 tháng 01 năm 1949 tại Long An.
Tôi được Đảng và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Nếu được cử tri tín nhiệm, tôi nguyện tiếp tục đem hết sức mình phục vụ nhân dân, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Trọng tâm chính Chương trình hành động của tôi như sau :
1- Cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề lớn của đất nước; có những chủ trương, chính sách thích hợp để:
- Kinh tế đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn, thực hiện thành công công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
- Phát triển sự nghiệp văn hóa - xã hội, chăm lo công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện tốt hơn nữa các chính sách xã hội.
- Cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân giữ vững ổn định chính trị, chủ quyền quốc gia, đảm bảo cuộc sống bình yên của nhân dân.
- Tiếp tục xây dựng Nhà nước thực sự là của dân, do dân, vì dân. Kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, thúc đẩy cải cách hành chính để bộ máy nhà nước phục vụ nhân dân tốt hơn, kinh tế phát triển nhanh hơn.
Thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng, đa phương, chủ động hội nhập quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích của nhau, không ngừng nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
2- Gần gũi, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của nhân dân, của cử tri Thành phố Hồ Chi Minh để phản ánh với Quốc hội, tích cực đôn đốc, phối hợp các cơ quan của Quốc hội, các ngành, các cấp, trả lời, giải quyết kịp thời các kiến nghị của cử tri theo luật định.
Tôi luôn mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp xây dựng của đồng bào, đồng chí./.