MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN CHÚ Ý

  KHI TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT TẠI CƠ SỞ

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại cơ sở  là một trong những yêu cầu có tính khách quan, cấp thiết, là một loại hoạt động có ý nghĩa xã hội đặc biệt quan trọng, nhân văn; hướng tới cung cấp, trang bị cho người dân ở cơ sở những kiến thức, hiểu biết nhất định về pháp luật; từ đó, làm hình thành ở họ tình cảm, niềm tin, ý thức tôn trọng pháp luật, biết tuân thủ, chấp hành, sử dụng pháp luật một cách chủ động, tích cực và đúng đắn, đảm bảo quyền con người, quyền công dân của chính mình, đồng thời không xâm phạm hay làm ảnh hưởng đến quyền của người khác, của cộng đồng.

1. Người thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật: Báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp luật, những người được mời tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật (luật gia, luật sư, chuyên gia), người phụ trách công tác PBGDPL…

Kết luận số 80/KL-TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, đã xác định yêu cầu: “Bảo đảm tính đồng bộ, xuyên suốt, hiệu quả giữa PBGDPL với xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật”; “Kịp thời thông tin đầy đủ ngay từ khi soạn thảo các vấn đề có tác động lớn đến xã hội, các vấn đề được xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội để tạo sự đồng thuận cao trong thực thi chính sách, pháp luật”; “ý thức chấp hành pháp luật là thước đo hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”. Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật tiếp tục yêu cầu tạo chuyến biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật và tuân thủ pháp luật; đổi mới phương pháp, tăng cường nguồn lực cho công tác PBGDPL, coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian gần đây cũng yêu cầu cần chú trọng công tác truyền thông, đẩy mạnh công tác phổ biến chính sách, pháp luật theo hướng truyền thông dẫn dắt, chủ động tuyên truyền về các chính sách, các văn bản pháp luật mới đề người dân biết, đồng tình, tin tưởng, ủng hộ, thực hiện, kiểm tra và người dân được thụ hưởng kết quả.

Báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp luật là người thực hiện hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Để pháp luật đến với người dân, đi vào cuộc sống thì hoạt động của báo cáo viên phải bảo đảm tính kịp thời, đầy đủ, chính xác, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin pháp luật của người dân; giúp người dân dễ dàng, thuận lợi tìm hiểu pháp luật, bảo vệ và thực thi các quyền, nghĩa vụ; tạo sức lan tỏa sự đồng thuận của xã hội trong thực thi chính sách, pháp luật.

2. Yêu cầu và nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiện nay:

- Tăng cường truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình đề xuất chính sách và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật” (phê duyệt kèm theo Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ). Việc truyền thông phải tiến hành ngay từ khâu đề xuất chính sách và soạn thảo văn bản, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm, có ý kiến khác nhau, chú trọng về lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội.

- Đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm theo kịp sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ thông tin, đáp ứng thói quen sử dụng internet, thiết bị điện tử thông minh của người dân và giúp người dân dễ dàng, thuận lợi tìm hiểu pháp luật.

- Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo hướng lấy người dân làm trung tâm, chú trọng việc khảo sát, nắm bắt nhu cầu thông tin pháp luật của đối tượng được phổ biến.

- Tăng cường các hoạt động đối thoại, giải đáp vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành pháp luật nhằm giúp người dân thực hiện thuận lợi quyền, nghĩa vụ; đồng thời là cơ sở để giúp Nhà nước hoàn thiện thể chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật.

- Nội dung, hình thức, phương pháp được lựa chọn phù hợp với từng đối tượng (đặc điểm giới, lứa tuổi, địa bàn, nghề nghiệp, yêu cầu của từng giai đoạn, thời điểm, đặc biệt là xuất phát từ nhu cầu của người dân ở cơ sở…).

+ Về nội dung, ở giai đoạn hiện nay, không chỉ truyền tải các quy định pháp luật hiện hành, mà còn tập trung định hướng ý thức tìm hiểu, tuân thủ pháp luật; ý thức quan tâm, tham gia góp ý các dự thảo văn bản pháp luật có quy định mới tác động trực tiếp đến đời sống của bản thân, gia đình, xã hội.

+ Về hình thức, phương pháp: ngoài hình thức biên soạn, tuyên truyền miệng truyền thống thì ngay tại buổi tuyên truyền cũng có thề lồng ghép hỏi đáp tìm hiểu pháp luật ngắn; cung cấp kèm theo tài liệu PBGDPL cho dễ nhớ, tiện theo dõi... Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật phải đảm bảo thông tin, giải thích pháp luật, đồng thời truyền cảm hứng, thái độ tích cực để người nghe nhận thức rõ, đầy đủ về những chuẩn mực, những hành vi được làm, những hành vi không được làm, những hành vi bị nghiêm cấm, giới hạn các quyền, nghĩa vụ của mình, của các chủ thể khác được pháp luật bảo vệ và cơ chế để tổ chức thực thi, bảo vệ các quyền, nghĩa vụ lợi ích hợp pháp đó…

- Thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ và bổ sung, nâng cao kiến thức pháp luật: kỹ năng tuyên truyền miệng, kỹ năng biên soạn tài liệu tuyên truyền pháp luật (vì trên cơ sở các kiến thức pháp luật được tập huấn, các tài liệu, đề cương tuyên truyền pháp luật được cung cấp, từng tuyên truyền viên pháp luật phải tự mình biên soạn tài liệu tuyên truyền pháp luật phù hợp với đối tượng); trang bị những quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền  và nghĩa vụ của công dân, những quy định gắn với đời sống của nhân dân ở cơ sở; them vào đó, còn phải nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước, các chính sách của địa phương để đảm bảo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đúng định hướng, là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng.

3. Một số kỹ năng cần thiết để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật tại cơ sở:

- Biên soạn đề cương tuyên truyền: cần bảo đảm các yêu cầu cơ bản sau:

Về hình thức: Bố cục đề cương phải rõ ràng, chặt chẽ, hợp lý. Ngôn ngữ được sử dụng trong đề cương phải là ngôn ngữ đại chúng, cách hành văn giản dị, trong sáng, dễ hiểu. Diễn đạt phải mạch lạc, súc tích, ngắn gọn.

Về nội dung: Đề cương phải tạo điều kiện cho người sử dụng hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của việc ban hành văn bản pháp luật, hiểu chính xác quy định của pháp luật, nắm được nội dung chính, những vấn đề trọng tâm của văn bản pháp luật, cách vận dụng văn bản trong các quan hệ pháp luật.

Về thời gian: Để đảm bảo tính thời sự của văn bản, đề cương tuyên truyền cần được biên soạn và cung cấp kịp thời cho các đối tượng để tổ chức triển khai tuyên truyền, phổ biến trước ngày văn bản có hiệu lực pháp luật, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện và áp dụng pháp luật được thống nhất.

- Xây dựng Đề cương bài nói (dành cho người nói): thường có 3 phần:

Phần mở đầu: Đây là phần nhập đề, là bước tiếp xúc đầu tiên với người nghe, do đó báo cáo viên phải mở đầu sao cho hấp dẫn, kích thích hứng thú của người nghe và làm rõ chủ đề của bài nói. Lời mở đầu cần tự nhiên, ngắn gọn.

Phần nội dung (Phần chính của đề cương bài nói): Đây là phần quan trọng nhất của bài nói, giải quyết vấn đề mà báo cáo viên đặt ra theo một trình tự nhất định. Phần này phải bảo đảm cung cấp cho người nghe những thông tin pháp luật theo nhu cầu của từng nhóm đối tượng cụ thể hoặc thông tin pháp luật mới, mang tính thời sự, cấp thiết, phản ánh những vấn đề nóng, quan trọng có liên quan.

Phần kết luận: Đây là phần tổng kết bài nói, củng cố nhận thức người nghe và cổ vũ hành động. Yêu cầu chung của phần kết luận là: tóm tắt, nhấn mạnh nội dung, cổ vũ hành động, tạo mối giao lưu, tình cảm giữa người nói và người nghe. Phần này cũng cần ngắn gọn, tránh dài dòng.

Đề cương bài nói nên viết trên giấy một mặt, ngắn gọn, rõ ràng.

- Chuẩn bị thực hiện một buổi tuyên truyền miệng về pháp luật

Nắm vững đối t­ượng tuyên truyền: BCVPL, TTVPL cần phải nắm rõ đối tượng mình sẽ thực hiện tuyên truyền để xác định cách nói nh­ư thế nào; phải nắm vững số lư­ợng, thành phần, trình độ học vấn, nghề nghiệp, tuổi tác, dân tộc, tôn giáo, phong tục tập quán, ý thức pháp luật, nhu cầu tìm hiểu pháp luật của đối tượng, tình hình thực hiện pháp luật ở cơ quan, đơn vị, địa phương. Phư­ơng pháp: tự tìm hiểu, gặp gỡ, hỏi han, quan sát hoặc qua các tài liệu, sách báo, báo cáo, tổng kết, trao đổi với Ban tổ chức...

Nắm vững những vấn đề liên quan đến lĩnh vực tuyên truyền: cần tìm hiểu kỹ nghiệp vụ chuyên ngành, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nư­ớc, các tài liệu lý luận, giáo khoa liên quan đền lĩnh vực pháp luật sẽ thực hiện tuyên truyền.

Nắm vững nội dung quy định, văn bản pháp luật cần tuyên truyền để tự tin, thực hiện tốt việc chuyển tải văn bản đó đến đối tượng một cách tốt nhất, hiệu quả nhất (hiểu rõ ý nghĩa, bản chất pháp lý của vấn đề đ­ược văn bản điều chỉnh, sự cần thiết phải ban hành văn bản; hiểu rõ đối t­ượng điều chỉnh, phạm vi điều chỉnh của văn bản; hiểu rõ ý nghĩa của các quy phạm, đặc biệt là ý nghĩa về mặt quản lý Nhà nư­ớc, về tác dụng điều chỉnh của từng quy phạm cụ thể); theo dõi, tìm hiểu quá trình dự thảo văn bản từ khi lập đề cư­ơng, qua các cuộc thảo luận, lấy ý kiến nhân dân, kết quả tiếp thu, chỉnh lý cho đến khi văn bản được ban hành).

S­ưu tầm các tài liệu dẫn chứng, minh họa: để thực hiện tốt buổi tuyên truyền miệng về pháp luật, BCVPL, TTVPL cần tìm tòi, sưu tầm tài liệu liên quan, sao chép, thu thập các dẫn chứng, các tình huống phù hợp với yêu cầu minh họa, phân tích làm sáng tỏ nội dung pháp luật cần tuyên truyền.

- Khi trình bày:

Chủ động sắp xếp thời gian, nắm vững địa điểm diễn ra buổi tuyên truyền/nói chuyện, đến sớm 5 - 10 phút để tiếp xúc với cấp uỷ, lãnh đạo đơn vị hoặc người nghe và tiếp cận với hội trường. Có thể nêu ý kiến đề nghị điều chỉnh ánh sáng, âm thanh, nơi đặt micrô, loa, lọ hoa, bục... phù hợp với không gia của hội trường, tạo thuận lợi cho báo cáo viên khi thuyết trình…

Cần lưu ý tuyên truyền, giới thiệu pháp luật không bao giờ đọc nguyên văn văn bản. Viết, đọc một đoạn nào đó trong văn bản chỉ có tính chất dẫn chứng, minh họa. Chỉ nên tập trung vào những vấn đề gì là cơ bản, cốt lõi, trọng tâm để ng­ười nghe nắm đư­ợc tinh thần văn bản, quy định pháp luật.

Trong quá trình trình bày nội dung bài nói, báo cáo viên, tuyên truyền viên cần chú ý cách xưng hô, có thái độ tôn trọng người nghe, đối thoại, tương tác với người nghe, giải đáp các thắc mắc nếu có. Những vấn đề chưa rõ hoặc chưa thể trả lời thì đề nghị để trả lời riêng hoặc hẹn vào dịp khác. Không tùy tiện trả lời những vấn đề chưa nắm vững. Nếu có nhiều người nghe cùng nêu câu hỏi thì nên lần lượt trả lời từng vấn đề hoặc theo cụm vấn đề. Những câu hỏi không đại diện cho số đông, nên đề nghị được trả lời riêng. 

Báo cáo viên Trần Việt Thái – Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật Sở Tư pháp TPHCM