Ra đời ngày 29/4/1985, đến nay Bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ, tọa lạc tại số 202 Võ Thị Sáu, phường 7, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành một địa chỉ quen thuộc với phụ nữ trong nước và khách nước ngoài đến tham quan thành phố Hồ Chí Minh.

leftcenterrightdel
Kiến trúc thực dân của tòa nhà làm việc dành cho nhân viên bảo tàng 

 

Tiền thân của Bảo Tàng Phụ nữ Nam Bộ là nhà truyền thống Phụ Nữ Nam Bộ được xây dựng theo tâm nguyện và ý chí của các thế hệ phụ nữ nhằm giữ gìn, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống tốt đẹp cho các thế hệ mai sau. Được sự chấp thuận của Bộ Chính trị Ban Bí thư Trung Ương Đảng, tháng 01/1983, Tổ Nghiên cứu lịch sử phụ nữ Nam Bộ (gọi tắt là Tổ sử phụ nữ Nam Bộ) được thành lập. Tổ sử gồm 12 nữ cán bộ lão thành, đa số đã nghỉ hưu, tự nguyện tham gia công tác tổng kết lịch sử phong trào phụ nữ Nam Bộ, do bà Nguyễn Thị Thập – nguyên uỷ viên Trung ương Đảng khoá II, III và IV, nguyên phó chủ tịch Quốc hội, nguyên chủ tịch Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam từ năm 1956 phụ trách.

Với tinh thần làm việc khẩn trương của Tổ sử phụ nữ Nam Bộ, được sự ủng hộ tích cực của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các cá nhân, ngày 29/4/1985, nhân kỷ niệm 10 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Nhà truyền thống phụ nữ Nam bộ được khánh thành với diện tích 200m2, gồm 6 phòng trưng bày chuyên đề. Hoạt động chưa đầy một năm, nhà Truyền thống phụ nữ Nam bộ đã đón cả trăm ngàn lượt khách tham quan trong và ngoài nước, đặc biệ là ở các tỉnh, thành phía Nam.

Song thực tế cho thấy với một diện tích trưng bày khiêm tốn như trên, nhà Truyền thống phụ nữ Nam bộ không thể nào chuyển tải hết nội dung cũng như thể hiện được các mặt tiểu biểu, đặc thù của phụ nữ miền Nam. Do đó, ngày 8/3/1986, được Trung ương Đảng và Nhà nước cho phép, Tổ sử phụ nữ Nam bộ khởi công xây dựng ngôi nhà mới có diện tích 3000m2 trên nền một sân quần vợt cũ với kinh phí tự túc.

leftcenterrightdel
lịch sử trang phục truyền thống áo dài, đồ trang sức và những trang phục truyền thống của người dân tộc thiểu số ở Nam bộ 

 

Qua 4 năm, vừa lo vận động kinh phí, vừa thi công xây dựng ngôi nhà mới, vừa tích cực sưu tầm tư liệu, hiện vật và biên soạn quyển “Truyền thống đấu tranh cách mạng của Phụ nữ Nam bộ thành đồng” là một nỗ lực rất lớn của Tổ sử phụ nữ Nam bộ và của lớp cán bộ trẻ đầy tâm huyết với việc cho ra đời một Bảo tàng về phụ nữ Miền Nam Việt Nam.

Ngày 18/5/1990, lễ khánh thành Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ được tổ chức trọng thể trong không khí tưng bừng cả nước kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Bác Hồ. Sự ra đời của Bảo tàng phụ nữ Nam bộ khẳng định vị trí quan trọng của phụ nữ đối với phong trao cách mạng Việt Nam, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với phong trào phụ nữ. Khánh thành Bảo tàng phụ nữ Nam bộ nhân kỷ niệm ngày sinh của Hồ chủ tịch, những người phụ nữ muốn bày tỏ lòng biết ơn Người và Đảng cộng sản Việt Nam đã rất chú ý đến quyền lợi, sự bình đẳng hạnh phúc của phụ nữ và trẻ em.

leftcenterrightdel
 

 

Thời điểm đó, Bảo tàng phụ nữ Nam bộ đã có một sơ sở vật chất khang trang, hài hoà với diện tích sử dụng 5.410 m2. một hội trường có sức chứa gần 1000 người và hệ thống kho bảo quản 210 m2.

Hiện nay, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đang quản lý và trưng bày trên 18.000 hiện vật các loại. Trong đó, hiện vật cách mạng chiếm gần 2/3 tổng số hiện vật của Bảo tàng. Thư viện có trên 10.000 đầu sách. Khu trưng bày gồm 3 tầng, có diện tích 3.162m2, gồm 8 phòng trưng bày rộng thoáng vơi 11 chuyên đề giới thiệu một số hoạt động của phụ nữ trong vai trò duy trì, phát huy bản sắc dân tộc Việt ở phương Nam và truyền thống của phụ nữ Việt Nam trong dựng nước và giữ nước.

Hệ thống trưng bày gồm các chuyên đề đấu tranh chính trị, đấu tranh võ trang, binh vận, ngoại giao,… Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã tái hiện truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ miền Nam. Hiện nay, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đang dành phần lớn diện tích trưng bày của mình để giới thiệu cho khách tham quan những đóng góp của phụ nữ miền Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Qua các chuyên đề trưng bày này, Bảo tàng đã và đang giới thiệu đến khách tham quan những thế hệ phụ nữ anh hùng đã đổ mồ hôi, xương máu, hy sinh tính mạng trong hai cuộc kháng chiến; những người phụ nữ không chỉ trực tiếp tham gia chiến đấu nơi trận tuyến mà còn hăng hái lao động, sản xuất làm nên hạt gạo, cái ăn, cái mặc, cáng đáng việc nhà thay người ở tiền phương. Hệ thống trưng bày của Bảo tàng còn giới thiệu về những Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, qua đó, giáo dục đức hy sinh, lòng chung thủy, kiên trung của những người mẹ trong hai cuộc kháng chiến. Ngoài ra, còn có phòng trưng bày làng nghề, trang phục, trang sức phụ nữ các dân tộc ở miền Nam...

Với tinh thần chủ động và đầy sáng tạo, cán bộ viên chức Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã thực hiện xã hội hoá hoạt động từ rất sớm ngay khi mới thành lập. Năm 1986 đã vận động kinh phí, vật tư để xây dựng Nhà Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ trị giá trên 800 triệu đồng (thời điểm 1990).

Từ đó đến nay, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã hợp tác với các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động đa dạng phong phú phù hợp với các thế hệ phụ nữ đặc biệt là thế hệ trẻ. Không chỉ làm nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước của các thế hệ phụ nữ, nơi gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ còn là nơi lưu giữ, giới thiệu đến công chúng thành phố và các tỉnh thành miền Nam những phong tục tập quán, đời sống văn hóa,.. của phụ nữ Nam Bộ các thời kỳ. Có thể nói, Bảo tàng phụ nữ Nam bộ còn là trung tâm văn hóa của phụ nữ. Hàng năm, Bảo tàng phụ nữ Nam bộ tổ chức nhiều cuộc họp mặt truyền thống phụ nữ của các giới, những cuộc hội thảo khoa học, những buổi giao lưu văn hoá, tọa đàm, thi tìm hiểu truyền thống phụ nữ Việt Nam, trình diễn văn nghệ theo đề tài nghiên cứu về phụ nữ, triển lãm chuyên đề,…

Bảo tàng cũng đã phối hợp cùng các ngành, xây dựng được 16 bộ phim tư liệu và phim truyện về truyền thống Bà mẹ Việt Nam anh hùng, về nữ tù chính trị, nữ tù binh, nữ thanh niên xung phong… qua đó góp phần tác động tích cực đến việc giải quyết chính sách cho những đối tượng trên. Viết và xuất bản 28 đầu sách giới thiệu về những phụ nữ vang danh trong lịch sử, những Bà Mẹ Vịêt Nam anh hùng, những phụ nữ thành đạt góp phần trong công cuộc đổi mới đất nước, những truyện tích huyền thoại của phụ nữ có liên quan đến di tích, danh lam thắng cảnh của đất nước nhằm tạo điều kiện rộng rãi cho công chúng tham quan các chuyên đề trưng bày, Bảo tàng cũng đã tổ chức nhiều cuộc trưng bày lưu động tại các huyện ngoại thành và các tỉnh ở Miền Nam. Trong 9 tháng đầu năm 2004, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã tổ chức 19 cuộc trưng bày, triển lãm lưu động và tại chỗ (tại Bảo tàng: 6 cuộc, lưu động: 13 cuộc), đón số lượng khách tham quan trưng bày lưu động là 112.000 lượt người và khách tham quan tại Bảo tàng 83.674 lượt.

Dù tuổi đời còn trẻ so với một số Bảo tàng khác, Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ luôn cố gắng phấn đấu vươn lên, tự khẳng định mình để xứng đáng với lòng mong muốn của nhân dân, nhất là các thế hệ phụ nữ. Đến nay, đã có 4.254.129 lượt khách đến tham quan và dự những hoạt động của Bảo tàng, trong đó có gần 5000 đoàn khách trong nước, hơn 1500 đoàn khách quốc tế, trên 50 đoàn lãnh đạo cao cấp trong và ngoài nước.

leftcenterrightdel
Tái hiện cảnh dệt chiếu cói 

 

Từ năm 2010 cho đến nay, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã không ngừng nỗ lực đổi mới hoạt động của mình trên cơ sở gắn giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng của phụ nữ miền Nam với những vấn đề thời đại như: biến đổi khí hậu, vấn đề dân số, giữ gìn bản sắc gia đình Việt Nam, xây dựng nông thôn mới… đã tác động đến đời sống và phản ảnh rõ nét vai trò của phụ nữ trong đời sống đương đại. Việc đa dạng hình thức hoạt động, giáo dục của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ để Bảo tàng gần với công chúng. Dự kiến trong tương lai cũng là mục tiêu phát triển của Bảo tàng là phấn đấu xây dựng Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ hiện nay trở thành một Bảo tàng hiện đại về trang thiết bị, phong phú về nội dung, sinh động hấp dẫn về trưng bày và các hoạt động phục vụ công chúng.

Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã vinh dự đón nhận huân chương lao động hạng nhất của Đảng và Nhà nước trao tặng vào ngày 24/4/1998. Đây là một phần thưởng xứng đáng và đầy khích lệ đối với tập thể đội ngũ cán bộ công chức của Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ. Phát huy thành quả trên, nhiều năm liền Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc. Năm 2011 nhận cờ thi đua của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2013 đơn vị nhận cờ thi đua xuất sắc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Trầm Hương