Thực hiện Chỉ đạo số 01/CĐ- BTC ngày 12/04/2023 của Bộ Tài chính, tại Thông báo số 220/TB-TCT ngày 28/4/2023, Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế địa phương cần khẩn trương tăng cường công tác quản lý, phòng chống gian lận trong sử dụng hóa đơn điện tử

Kiên quyết phòng chống và xử lý vi phạm

Theo đó, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trong toàn ngành Thuế tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao trong quá trình quản lý thuế nói chung và quản lý HĐĐT nói riêng. Đồng thời tăng cường phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành chức năng trên địa bàn trong công tác quản lý thuế nói chung và quản lý HĐĐT nói riêng.

Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý, phòng chống gian lận trong sử dụng HĐĐT hiện nay, Tổng cục Thuế đề nghị Thủ trưởng các đơn vị trong toàn ngành Thuế quán triệt đến từng công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao trong quá trình quản lý thuế nói chung và quản lý HĐĐT nói riêng.

Triển khai ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Thuế, mới đây, Cục Thuế TP. Hà Nội vừa đưa ra lưu ý đến NNT về các hành vi bị nghiêm cấm trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật thuế nói chung và các hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ nói riêng.

Theo Cục Thuế TP. Hà Nội, hệ thống HĐĐT phục vụ cộng đồng DN, NNT đã được ngành Thuế triển khai trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/7/2022. Hiện nay, các DN, tổ chức và cá nhân kinh doanh đã chuyển đổi đồng bộ sang sử dụng HĐĐT thay cho hóa đơn giấy truyền thống, điều này đem lại nhiều lợi ích cho cả NNT và các cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng một số DN, tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng việc phát hành, sử dụng HĐĐT để xuất khống, mua bán hóa đơn nhằm trục lợi bất chính. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật.

Là địa phương đang quản lý số lượng NNT lớn hàng đầu cả nước, Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế (được quy định tại Điều 6 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14) gồm: Thông đồng, móc nối, bao che giữa NNT và công chức, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế; Gây phiền hà, sách nhiễu đối với NNT; Lợi dụng để chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tiền thuế; Cố tình không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ, kịp thời, chính xác về số tiền thuế phải nộp; Cản trở công chức quản lý thuế thi hành công vụ.

Bên cạnh đó, pháp luật cũng nghiêm cấm những hành vi như: Sử dụng mã số thuế của NNT khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc cho người khác sử dụng mã số thuế của mình không đúng quy định của pháp luật; Bán hàng, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn; Làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, phá hủy hệ thống thông tin về NNT.

Trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ, các hành vi bị cấm được quy định tại Điều 5 Nghị định số 123/NĐ-CP ngày 19/10/2020 như sau:

Thứ nhất, đối với công chức thuế, các hành vi bị cấm gồm: Gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân đến mua hóa đơn, chứng từ; Có hành vi bao che, thông đồng cho tổ chức, cá nhân để sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; Nhận hối lộ khi thanh tra, kiểm tra về hóa đơn.

Thứ hai, đối với cá nhân, tổ chức cung cấp hàng hóa, dịch vụ, cá nhân tổ chức có quyền và nghĩa vụ liên quan, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định các hành vi bị cấm gồm: Thực hiện hành vi gian dối như sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn; Cản trở công chức thuế thi hành công vụ, cụ thể các hành vi cản trở gây tổn hại sức khỏe, nhân phẩm của công chức thuế khi đang thanh tra, kiểm tra về hóa đơn, chứng từ; Truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin về hóa đơn, chứng từ; Đưa hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác liên quan hóa đơn, chứng từ nhằm mưu lợi bất chính.

Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, chế tài xử phạt các hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn được quy định cụ thể tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. Trong đó, hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (quy định tại Điều 28 Nghị định này).

Ngoài ra, hành vi trốn thuế còn có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 200 Bộ Luật hình sự 2015, đã được sửa đổi bổ sung bởi điểm a, điểm b khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ Luật hình sự 2017.

Tháng cao điểm phòng, chống mua, bán hoá đơn bất hợp pháp

Nhằm tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc phát hành, sử dụng HĐĐT, Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai các giải pháp quản lý hóa đơn, phòng chống gian lận trong sử dụng HĐĐT. Theo đó, Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện lập danh sách NNT có dấu hiệu rủi ro trong quản lý HĐĐT.

Trong công tác phòng chống gian lận mua bán HĐĐT, Cục Thuế luôn chú trọng việc tăng cường phối hợp với các cơ quan Thuế ở địa phương khác. Nhất là trong các trường hợp NNT có hành vi vi phạm về hóa đơn tại địa phương mình quản lý có giao dịch với NNT ở địa phương khác. Từ đó, đồng bộ xử lý theo quy định, chống thất thu cho ngân sách nhà nước.

Cục Thuế cũng chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan Công an theo quy chế phối hợp để xử lý các trường hợp NNT qua thanh tra, kiểm tra xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Qua theo dõi trong nhiều năm, Cục Thuế xác định tháng 5/2023 luôn là tháng cao điểm thực hiện phòng, chống mua, bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp, gian lận hoàn thuế. Vì vậy, Cục Thuế đã đẩy mạnh chương trình rà soát, tăng cường quản lý, phòng chống gian lận về HĐĐT thông qua các ứng dụng đang triển khai của ngành Thuế.

Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã đề ra các giải pháp cụ thể để phòng, chống gian lận HĐĐT. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức tuân thủ của DN nói riêng và NNT nói chung về nghĩa vụ chấp hành pháp luật thuế. Cảnh báo kịp thời các hành vi vi phạm, tội phạm về thuế; các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế và các hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ; các hành vi mua, bán, sử dụng trái phép hóa đơn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, Cục Thuế cũng thực hiện xây dựng kế hoạch tổng thể, có tính hệ thống để phổ biến, giáo dục pháp luật về thuế, không để xảy ra các vi phạm về phát hành, sử dụng HĐĐT. Tuyên truyền đến NNT về việc nhận diện hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và chế tài xử lý đối với từng hành vi vi phạm... để NNT tránh tham gia vào các giao dịch mua bán hóa đơn.

Đồng thời, phối hợp với các đơn vị truyền thông công khai thông tin tổ chức, cá nhân có hành vi mua, bán hóa đơn để tuyên truyền, góp phần cảnh báo, răn đe các đối tượng đã và đang có ý định vi phạm pháp luật về hóa đơn.

Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc phát hành, sử dụng HĐĐT để phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, xử lý nghiêm theo quy định. Tập hợp các hành vi vi phạm về hóa đơn được phát hiện qua công tác quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra; công tác điều tra của cơ quan Công an và qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Đặc biệt, ngoài các giải pháp về rà soát, kiểm tra, phối hợp xử lý về hóa đơn, Cục Thuế đặc biệt chú trọng tới công tác quản lý cán bộ, thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực thi công vụ, nhiệm vụ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong kỷ luật, kỷ cương hành chính. Thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ công chức trong thực thi công vụ; xử lý nghiêm các công chức thiếu trách nhiệm, lơ là công việc hoặc có tư tưởng trục lợi, gây phiền hà, khó khăn trong công tác quản lý thuế.

Hành vi mua bán trái phép hóa đơn có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự

Cụ thể, tại Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bởi điểm k khoản 2 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ Luật hình sự 2017) quy định về việc truy cứu trách nhiệm hình sự với các cá nhân, tổ chức phạm tội mua bán trái phép hóa đơn như sau:

“1. Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 100 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên; Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 100.000.000 đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”

Chi cục Thuế Quận 3 thông tin để quý đơn vị, cá nhân được biết và thực hiện nghiêm các quy định về hóa đơn./.