Trong thời gian vừa qua, một số người sử dụng thực phẩm Paté chay, cá chép ủ muối chua đã bị ngộ độc do trong thực phẩm này có chứa độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum. Việc nhiễm độc tố của vi khuẩn này gây ra các biến chứng nặng có thể dẫn đến suy hô hấp, liệt toàn thân, và nếu không can thiệp kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Ngộ độc botulinum
Ngộ độc botulinum là bệnh gây liệt cơ tuy hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng gây ra bởi một chất độc thần kinh, sản xuất chủ yếu bởi vi khuẩn Clostridium botulinum và đôi khi bởi những dòng vi khuẩn Clostridium butyricum và Clostridium baratii. Con người có thể bị nhiễm độc qua thực phẩm chứa độc tố hoặc nha bào của vi khuẩn.
Hầu hết các trường hợp ngộ độc botulinum qua thực phẩm là kết quả của những sản phẩm đóng hộp không bảo đảm an toàn thực phẩm, thực phẩm ủ muối tại gia không đúng cách, đặc biệt là thực phẩm với hàm lượng acid thấp, như măng tây, đậu xanh, củ dền, và bắp, thịt hộp. Đóng hộp kín tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh sôi của vi khuẩn này để chúng sinh độc tố, tạo nha bào hòa lẫn trong thực phẩm. Người ăn nuốt phải độc tố này có thể sinh ra bệnh
Ngộ độc botulinum trẻ em xảy ra khi trẻ ăn uống phải nha bào của vi khuẩn, sau đó sinh sôi trong ruột, đã có các trường hợp được báo cáo do sử dụng mật ong uống hoặc rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh.
|
|
Hình ảnh vi khuẩn Clostridium botulinum |
Triệu chứng của ngộ độc botulinum:
Triệu chứng cổ điển của ngộ độc botulinum bao gồm nhìn đôi, nhìn mờ, sụp mí, nói ngọng, nuốt khó, khô miệng, và yếu cơ.
Trẻ em bị ngộ độc botulinum nhìn rất mệt mỏi, ăn (bú) kém, táo bón, khóc yếu và trương lực cơ giảm. Tất cả những triệu chứng này đều là biểu hiện của liệt cơ gây ra bởi độc tố vi khuẩn. Nếu không điều trị, những triệu chứng này có thể tiến triển thành yếu liệt cơ hô hấp, tay, chân và toàn thân.
Trong ngộ độc botulinum thực phẩm, triệu chứng thường khởi đầu 18 đến 36 giờ sau khi ăn uống thực phẩm nhiễm khuẩn, nhưng cũng có thể xuất hiện sớm sau 6 giờ hoặc muộn sau 10 ngày. Nếu bệnh trầm trọng, cơ hô hấp cũng bị tổn thương dẫn đến suy hô hấp và tử vong trừ khi được hỗ trợ hô hấp, thở máy.
Đề phòng ngộ độc botulinum
Đóng hộp thực phẩm: tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm để hạn chế nhiễm khuẩn thực phẩm.
Để hạn chế nguy cơ nhiễm botulinum khi muối chua, thực phẩm chế biến cần được rửa và nấu đúng cách. Dụng cụ làm bếp, hộp đựng, cũng như những bề mặt khác khi tiếp xúc với thực phẩm, bao gồm thớt và tay người chế biến, cần phải rửa sạch kỹ với xà phòng và nước chín.
Bảo quản thực phẩm đúng cách.
Botulinum có thể làm nắp hộp trữ thức ăn cong (lồi lên hoặc phù bên ngoài) và thức ăn có mùi khác lạ. Các hộp thức ăn làm để bán hay hộp đóng tại nhà khi bị cong hay đóng rỉ sét xung quanh vành, rìa hộp thì không nên sử dụng.
Độc tố botulinum bị phân hủy ở nhiệt độ cao. Thức ăn đóng hộp cần thiết có thể nấu sôi thực phẩm khoảng 10 phút trước khi ăn để đảm bảo an toàn.
Nhiễm độc botulinum từ vết thương có thể được phòng ngừa bằng cách chăm sóc ngay khi bị những vết thương nhiễm trùng và phải hỏi ý kiến bác sĩ trong việc dùng thuốc trong điều trị vết thương.
Giữ vệ sinh cho trẻ, tránh trẻ cho tay bẩn vào miệng. Sử dụng mật ong có chất lượng và an toàn cao cho trẻ.
Tuyệt đối không kinh doanh và không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen rỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường. không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không đông đá.
Vi Thị Thanh Hà