Vào lúc 9 giờ 29 phút ngày 07/6/2021, Công an Quận 3 nhận được tin cháy tại địa chỉ số 410 Lê Văn Sỹ, phường 14, Quận 3 từ Trung tâm chỉ huy chữa cháy (114). Đơn vị đã nhanh chóng huy động lực lượng và phương tiện đến điểm cháy. Qua công tác trinh sát nắm tình hình, do nhà kế bên (số 412 Lê Văn Sỹ) hàn cắt kim loại trên sân thượng, không đảm bảo an toàn trong quá trình hàn cắt, nên các vỉ hàn đã bắn tung tóe xuống sân thượng nhà 410 Lê Văn sỹ bắt vào các vật dụng dễ cháy (nệm,…) dẫn đến cháy. Lực lượng Công an phường và dân phòng phường 14 đã sử dụng các bình chữa cháy xách tay, dập tắt đám cháy kịp thời, không để cháy lan, cháy lớn. Không có thiệt hại về người và tài sản.

leftcenterrightdel
Các lực lượng xử lý nhanh sự cố cháy 

Khi hàn cắt kim loại, nhiệt độ tâm ngọn lửa đạt tới 3.000 độ C, nhiệt độ mối hàn khoảng 1.700 độ C đến 1800 độ C. Trong quá trình hàn cắt kim loại sẽ làm phát sinh các hạt kim loại nóng chảy (nhiệt độ đạt trên 1000 độ C) bắn tung tóe ra xung quanh rất dễ gây cháy khi tiếp xúc với các vật liệu cháy.

Khi các hạt kim loại nóng chảy với nhiệt độ cao tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy như vải, giấy, nệm, cao su, nhựa, mút, gỗ…(nhiệt độ bắt cháy khoảng 250 độ C đến 400 độ C) sẽ rất dễ gây cháy. Nếu sự cháy không được phát hiện kịp thời và có các biện pháp xử lý ban đầu, đám cháy sẽ phát triển mạnh, vận tốc cháy lan tăng dần dẫn đến cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng.

Để hạn chế các vụ cháy do hàn cắt kim loại gây ra. Công an Quận 3 khuyến cáo về an toàn PCCC trong hàn cắt kim loại như sau:

1. Người đứng đầu các cơ sở phải nêu cao ý thức trách nhiệm về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình sản xuất kinh doanh.

 2. Ban hành nội quy, quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy, quy trình hàn cắt kim loại an toàn trong quá trình hàn cắt.

3. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, đặc tính nguy hiểm cháy nổ của quá trình hàn cắt kim loại, kiến thức về an toàn nói chung, an toàn cháy, nổ nói riêng trong quá trình hàn cắt.

4. Trong quá trình hàn cắt kim loại phải tổ chức che chắn bằng các vật liệu không cháy hoặc di chuyển các vật liệu dễ cháy ra khỏi khu vực hàn cắt (tối thiểu 10m), không để xỉ hàn có nhiệt độ cao tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy, phải có biện pháp an toàn phòng cháy và chữa cháy và phương án xử lý cháy, nổ.

5. Trước khi hàn, cắt các khoang, thùng, két, ống, chai, téc trước đó có chứa chất lỏng, chất khí dễ cháy phải vệ sinh công nghiệp sạch sẽ ( lau chùi, bơm ngập nước tràn, thổi khí, thông gió…) và đo nồng độ hơi bên trong đảm bảo dưới nồng độ nguy hiểm cháy, nổ mới được phép hàn, cắt

6. Trong quá trình hàn cắt kim loại phải cử người trông coi. Phải có người có mặt thường xuyên trong suốt quá trình hàn cắt và ít nhất có mặt sau 30 phút, kiểm tra thật kỹ trước khi kết thúc việc hàn cắt.

7. Trang bị các phương tiện phòng cháy và chữa cháycần thiết như bình chữa cháy tại khu vực tiến hành hàn cắt để có thể xử lý kịp thời khi có sự cố chảy, nổ xảy ra.

8. Thợ hàn phải được tập huấn và có chứng chỉ về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy, nắm vững đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ trong hàn cắt kim loại, biết sử dụng thành thạo các loại phương tiện phòng cháy và chữa cháy tại chỗ để có thể dập tắt được đám cháy ngay khi mới phát sinh.

9. Sử dụng thợ hàn có tay nghề đã qua đào tạo về công tác an toàn trong quá trình hàn cắt.

10. Đối với thợ hàn phải thực hiện các biện pháp an toàn phòng cháy và chữa cháy sau:

- Chuẩn bị đầy đủ các loại trang bị bảo hộ cá nhân (giày, găng tay, kính hàn…).

- Sắp xếp nơi làm việc gọn gàng, kiểm tra tình trạng nước, cát, bình chữa cháy trang bị cho khu vực hàn.

- Không được hàn cắt kim loại khi xung quanh khu vực hàn cắt có vật liệu dễ cháy.

Minh Tuấn – Công an Quận