Ngày 16/09/2020, Ủy ban nhân dân Quận 3 tổ chức hội nghị triển khai hướng dẫn thực hiện Nghị định số 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức. Tham dự và Chủ trì hội nghị có đồng chí Vũ Thị Mỹ Ngọc – Ủy viên Ban Thường vụ - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 3, đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh Trúc – Ủy viên Ban Thường vụ- Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Quận 3 và đ/c Võ Thị Minh Tâm – Trưởng Phòng Nội vụ Quận 3 – báo cáo viên hội nghị. Hội nghị đã triển khai cho Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc quận; Chủ tịch Ủy ban nhân dân 14 Phường và Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Quận 3.

leftcenterrightdel
 

Tại Hội nghị đồng chí Võ Thị Minh Tâm – Trưởng Phòng Nội vụ Quận 3, phổ biến một số nội dung quan trọng của Nghị định 90, cụ thể như sau:

Theo khoản 4 Điều 2 Nghị định 90 năm 2020, kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng công chức được sử dụng làm cơ sở để liên thông trong đánh giá, xếp loại chất lượng Đảng viên.

Đồng thời, kết quả này cũng là căn cứ để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá và xếp loại chất lượng Đảng viên, thực hiện các chính sách khác với công chức.

Quy định về các tiêu chí xếp loại chất lượng là quy định được nhiều người quan tâm nhất. Theo quy định tại Nghị định 90/2020 của Chính phủ, các tiêu chí xếp loại chất lượng công chức cũng có nhiều thay đổi so với quy định hiện nay tại Nghị định 56.

Thay đổi các mức xếp loại. Nghị định 90/2020/ NĐ-CP quy định 4 mức đánh giá, phân loại cán bộ, công chức trong đó có mức Hoàn thành nhiệm vụ thay cho mức Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực (đã đảm bảo thống nhất giữa quy định của Đảng, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức).

Thay đổi nội dung các tiêu chí.

- Thay vì quy định cụ thể các tiêu chí chung như gương mẫu, chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, chuyên môn… thì Nghị định 90 đã khái quát thành các cụm tiêu chí: Chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tác phong, lề lối, ý thức tổ chức kỷ luật…

- Sửa đổi tiêu chí “hoàn thành nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch công tác năm” thành “hoàn thành nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra, công việc cụ thể được giao”.

- Bỏ tiêu chí liên quan đến nhiệm vụ đột xuất,đề tài khoa học hoặc sáng kiến ở mức hoàn thành  xuất sắc nhiệm vụ …

Có thể thấy những thay đổi này góp phần đánh giá, xếp loại công chức một cách chi tiết, bao quát, toàn diện.

Trình tự, thủ tục đánh giá, xếp loại công chức
Về cơ bản trình tự, thủ tục đánh giá, xếp loại công chức được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Công chức tự đánh giá, xếp loại chất lượng theo mẫu 02 kèm Nghị định này;

Bước 2: Nhận xét, đánh giá công chức: Thông qua cuộc họp gồm toàn thể công chức của cơ quan, đơn vị nơi công chức này công tác. Khi đó, công chức trình bày báo cáo tự đánh giá, các thành viên tham dự đóng góp ý kiến và ghi vào biên bản, thông qua tại cuộc họp;

Bước 3: Lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của cấp ủy Đảng cơ quan, tổ chức nơi công chức công tác;

Bước 4: Xem xét, quyết định đánh giá, xếp loại chất lượng công chức;

Bước 5: Thông báo bằng văn bản cho công chức và công khai việc đánh giá này tại cơ quan, đơn vị. Ưu tiên áp dụng công khai trên môi trường điện tử.

Kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan đơn vị tiếp tục nghiên cứu sâu kỹ Nghị định 90/2020 và xây dựng Quy chế đánh giá phù hợp với điều kiện cụ thể tại đơn vị mình để áp dụng thực hiện có hiệu quả và nâng cao nhận thức về ý nghĩa, yêu cầu của công tác đánh giá, xếp loại cán bộ công chức, viên chức; nâng cao trách nhiệm, thống nhất nhận thức và hành động của từng cấp, từng ngành và mỗi cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn quận.

Phòng Nội vụ