Hành vi lập khống chứng từ và hình thức xử phạt:

Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp đã sử dụng thông tin của các cá nhân, gồm: tên, mã số thuế (MST), số căn cước công dân (CCCD) để kê khai, đưa vào bảng chấm công, tính chi phí tiền lương, tiền công. Doanh nghiệp lập khống bảng lương nhân công nhằm làm tăng chi phí, từ đó làm giảm nghĩa vụ thuế khi xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp (trong khi không phát sinh trả thu nhập trên thực tế cho cá nhân đó).

Về mặt luật pháp, doanh nghiệp này không hiểu rằng: theo quy định tại khoản 5 Điều 143 Luật Quản lý thuế, thì: Hành vi sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế, xác định sai số tiền thuế phải nộp sẽ được xem là hành vi trốn thuế. Như vậy, hành vi sử dụng tên, mã số thuế, số CCCD để lập khống chứng từ; kê khai, tính chi phí tiền lương, tiền công khi xác định nghĩa vụ thuế TNDN, trong khi không phát sinh trả thu nhập trên thực tế cho cá nhân, là hành vi vi phạm pháp luật về thuế, nhằm mục đích gian lận, giảm số tiền thuế phải nộp của doanh nghiệp.

Đối với các cá nhân khi bị doanh nghiệp có hành vi “sử dụng thông tin cá nhân” không đúng quy định sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quyền và lợi ích hợp pháp, làm mất thời gian, chi phí, công sức để giải quyết các vấn phát sinh, gây khó khăn khi quyết toán thuế, hoàn thuế của cá nhân này.

leftcenterrightdel
 

Hình thức xử phạt

Cơ quan thuế, với công cụ của mình sẽ nhanh chóng phát hiện ra doanh nghiệp sử dụng không đúng MST cá nhân; việc này nguyên nhân xuất phát có thể là:

+ Doanh nghiệp thực tế có sử dụng lao động đã có MST nhưng nhập sai 1 chữ số của MST dẫn đến việc bị trùng với cá nhân khác.

+ Doanh nghiệp cố ý khai khống chi phí lương mà thực tế không có người lao động nhằm mục đích trốn thuế

Cơ quan thuế khi phát hiện việc sử dụng sai MST sẽ xác định chính xác hành vi vi phạm là khai sai do nhầm lẫn hay do cố tình khai sai, để xử phạt.

- Trường hợp hành vi khai sai, khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ thuế không dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc không dẫn đến tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn thì bị xử phạt theo Điều 12, Nghị định 125/2020/NĐ-CP, mức phạt tùy trường hợp từ 5 - 8 triệu đồng.

- Trường hợp hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn thì: Phạt 20% số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn so với quy định và tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 16 Nghị đinh 125/2020/NĐ-CP.

Căn cứ vào hành vi, mức độ vi phạm của người nộp thuế, cơ quan thuế thực hiện xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 16, Điều 17 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP hoặc theo quy định tại Điều 200 của Bộ Luật Hình sự năm 2015. Người nộp thuế khai sai dẫn đến làm thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn nếu đã khai bổ sung hồ sơ khai thuế và tự giác khắc phục hậu quả bằng cách nộp đủ số tiền thuế phải nộp trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế phát hiện không qua thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế hoặc trước khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện thì không bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế. (Tại Khoản 3, Điều 142, Luật QLT số 38). Trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì thực hiện tổng hợp, chuyển hồ sơ cho cơ quan công an để thực hiện khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định pháp luật.

Công cụ tra cứu nguồn thu nhập cho NNT qua ứng dụng Etax Mobile:

Tổng cục Thuế đã có hướng dẫn cơ quan thuế chú trọng công tác kiểm tra thuế thu nhập cá nhân (Công văn số 1353/TCT-DNNCN ngày 02/4/2024); trong quá trình triển khai công tác thanh tra, kiểm tra thuế để đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế và ngăn chặn, xử lý nghiêm minh đối với DN có hành vi gian lận, lợi dụng thông tin của cá nhân để khai, tính chi phí tiền lương, tiền công nhằm mục đích trốn thuế, giảm nghĩa vụ thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước.

leftcenterrightdel
 

Bên cạnh đó, các cá nhân cũng cần biết về lợi ích của việc rà soát, chuẩn hóa mã số thuế cá nhân theo CCCD/CMND/số định danh cá nhân và lợi ích của việc sử dụng tài khoản giao dịch thuế điện tử do cơ quan thuế cấp;

- Cài đặt ứng dụng eTax Mobile trên điện thoại thông minh và tra cứu thông tin về các nguồn thu nhập trên ứng dụng eTax Mobile để tự đảm bảo kiểm soát được đầy đủ, chính xác các nguồn thu nhập của bản thân.

- Khi người nộp thuế có tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan thuế hoặc tài khoản định danh điện tử VNeID và các cơ quan quản lý nhà nước đã có sự kết nối, chia sẻ thông tin thì người nộp thuế không phải kê khai nhiều thông tin cá nhân như trước đây hoặc thông tin đã được tích hợp trong tài khoản định danh cá nhân sẽ được hỗ trợ tự động điền vào phần thông tin kê khai của người nộp thuế.

- Cá nhân cần lưu ý gì khi MST của mình bị lợi dụng, đánh cắp:

Trường hợp phát hiện mã số thuế của mình bị lợi dụng, đánh cắp hoặc bị tính thuế TNCN cho những khoản thu nhập mà thực chất mình không nhận được, cần thông tin kịp thời cho cơ quan thuế nơi cấp mã số thuế và cơ quan thuế nơi đang quản lý đơn vị khai khống thu nhập về việc không có thu nhập tại cơ quan chi trả thu nhập, để cơ quan thuế có cơ sở kiểm tra, xác minh xử lý hành vi vi phạm đối với tổ chức chi trả thu nhập theo quy định, không làm ảnh hưởng đến cá nhân NNT.

leftcenterrightdel
 

Với ứng dụng của công nghệ thông tin, ứng dụng quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số hiện nay, thì những hóa đơn, chứng từ này của doanh nghiệp được lưu vết (theo quy định phải được lưu giữ ít nhất 10 năm) và cơ quan thuế có đủ công cụ để truy lần ra các sai phạm đó. Do đó lựa chọn chấp hành pháp luật thuế, hay dùng “chiêu” lập khống chứng từ,… Đều không phải là lựa chọn khôn ngoan hay đúng đắn đối với doanh nghiệp; nhà quản lý doanh nghiệp cũng cần hiểu biết để quản trị trong nội bộ doanh nghiệp mình.

Chi cục Thuế Quận 3 trân trọng thông báo./.

Nếu có vướng mắc hoặc cần hỗ trợ, vui lòng liên hệ:

Số điện thoại: 028 3934 9001 - line 118

Địa chỉ: 152-154 Võ Văn Tần, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3