Ngày 12/3/2024, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị Hỗ trợ trực tuyến quyết toán thuế năm 2023 với nội dung hướng dẫn, giải đáp vướng mắc liên quan đến quyết toán thuế TNDN năm 2023. Sau đây là một số nội dung vướng mắc thường gặp của tổ chức, doanh nghiệp đã được Tổng cục Thuế giải đáp:

Câu hỏi 1: Tôi là chủ doanh nghiệp tư nhân, có vay vốn ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân thì khoản chi phí lãi vay có được tính vào chi phí được trừ của doanh nghiệp hay không?

Trả lời: Căn cứ quy định tại Luật doanh nghiệp về doanh nghiệp tư nhân và Luật thuế TNDN về khoản chi được trừ khi tính thuế TNDN và hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước về hoạt động cho vay, trường hợp cá nhân là chủ doanh nghiệp tư nhân có thực hiện vay vốn theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, nếu khoản chi phí lãi vay mà cá nhân chủ doanh nghiệp tư nhân đã trả cho tổ chức tín dụng liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân và có đủ chứng từ theo quy định của pháp luật thì khoản chi trả lãi vay được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN của doanh nghiệp tư nhân.

Câu hỏi 2: Trường hợp của doanh nghiệp tôi đang hoạt động, được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo điều kiện có dự án đầu tư mới tại địa bàn khu kinh tế. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp tôi có bổ sung ngành nghề kinh doanh thì thu nhập từ hoạt động bổ sung có được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo dự án đang hoạt động hay không?

Trả lời: Luật thuế TNDN hiện hành quy định doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng đáp ứng điều kiện về lĩnh vực, địa bàn khuyến khích đầu tư (trong đó có địa bàn khu kinh tế) thì được ưu đãi thuế TNDN.

Vì vậy, cần căn cứ tình hình thực tế của doanh nghiệp bạn là ngành nghề bổ sung có thuộc phạm vi dự án đầu tư mới của doanh nghiệp hay là dự án đầu tư mở rộng, từ đó mới có cơ sở xác định ưu đãi thuế TNDN phù hợp theo quy định. Nếu ngành nghề bổ sung không gắn với dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi, doanh nghiệp không tăng vốn, không thực hiện đầu tư mở rộng để tăng tài sản thì thu nhập từ hoạt động này không được ưu đãi thuế TNDN.

Câu hỏi 3: Công ty tôi có mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động. Xin hỏi công ty tôi có được tính vào chi phí được trừ cho khoản tiền mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động này không?

Trả lời: Theo quy định tại khoản 3, Điều 3 Thông tư số 25/2018/TT-BTC ngày 16/3/2018 của Bộ Tài chính (sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC) thì phần chi vượt mức 03 triệu đồng/tháng/người để: Trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

   Căn cứ quy định trên thì về nguyên tắc khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động của Công ty được tính vào chi phí được trừ nếu khoản chi này đáp ứng các quy định về mức chi, hóa đơn, chứng từ. Ngoài ra, Công ty chỉ được trừ khoản chi này vào chi phí khi đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về bảo hiểm bắt buộc cho người lao động.

Câu hỏi 4: Doanh nghiệp tôi có mua một chiếc ô tô để phục vụ vận chuyển hàng hóa giữa các kho hàng. Tuy xe đã được sử dụng nhưng doanh nghiệp tôi vẫn chưa thực hiện xong thủ tục sang tên (xe vẫn mang tên chủ xe cũ). Xin hỏi doanh nghiệp tôi có được tính vào chi phí được trừ với phần trích khấu hao tài sản xe không?

Trả lời: Tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của BTC quy định chi khấu hao đối với tài sản cố định không có giấy tờ chứng minh thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp thì không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế (trừ tài sản cố định thuê mua tài chính).

Căn cứ quy định trên, doanh nghiệp có mua xe của một tổ chức, cá nhân khác nhưng chưa làm xong thủ tục sang tên, doanh nghiệp chưa có giấy tờ chứng minh được tài sản thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp thì khoản khấu hao tài sản xe ô tô này không được tính là chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN.

Câu hỏi 5: Công ty tôi kinh doanh hàng mỹ phẩm. Tháng 10/2023, chúng tôi kiểm kê đã loại ra một số mặt hàng bị tồn đã quá hạn sử dụng. Chúng tôi đã lập bảng kê, ra quyết định hủy lô hàng trên. Tổng lô hàng này trị giá 125 triệu đồng. Xin cho biết giá trị lô hàng hỏng này có được tính vào chi phí được trừ không?

Trả lời: Đối với các sản phẩm hết hạn sử dụng phải tiêu hủy, nếu Doanh nghiệp có đầy đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh thuộc trường hợp hàng hóa hết hạn sử dụng không được bồi thường thì được tính vào chi phí được trừ trong năm thực hiện tiêu hủy.  Doanh nghiệp lập Hồ sơ theo hướng dẫn tại tiết b, khoản 2.1 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của BTC.

Câu hỏi 6: Công ty chúng tôi đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN cho dự án tại khu công nghiệp (miễn 2 giảm 4). Vào năm giảm thuế thứ hai, Công ty có giấy xác nhận ưu đãi cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho một số mặt hàng (được miễn 4 giảm 9). Công ty tách riêng được doanh thu và chi phí của sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Vậy xin hỏi khi công ty tôi áp dụng ưu đãi miễn thuế TNDN cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thì các sản phẩm không phải là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tiếp tục được giảm 50% thuế TNDN theo điều kiện ưu đãi địa bàn không?

Trả lời: Luật thuế TNDN quy định đối tượng hưởng ưu đãi là thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng đáp ứng điều kiện về lĩnh vực, địa bàn được ưu đãi theo quy định của Luật Thuế TNDN (trong đó có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển).

Tại khoản 4 Điều 18 Luật thuế TNDN quy định đối với trường hợp doanh nghiệp được hưởng nhiều mức ưu đãi khác nhau thì được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi có lợi nhất.

Căn cứ các quy định trên thì trường hợp Công ty lựa chọn hưởng ưu đãi theo điều kiện ưu đãi có lợi nhất (sản xuất sản phẩm CNHT) đối với thu nhập phát sinh từ dự án đầu tư của công ty thì thu nhập phát sinh từ các sản phẩm không phải là sản phẩm CNHT không được hưởng ưu đãi thuế TNDN.

Câu hỏi 7: Công ty chúng tôi là công ty sản xuất phần mềm được ưu đãi thuế TNDN trong vòng 15 năm, trong năm 2023 Công ty chúng tôi có một khoản tiền vốn nhàn rỗi chưa dùng đến nên Công ty mang đi gửi có kỳ hạn tại ngân hàng và trong năm có phát sinh lãi. Vậy khi quyết toán thuế TNDN năm 2023 Công ty có được hưởng ưu đãi thuế TNDN với khoản thu nhập từ lãi tiền gửi có kỳ hạn của khoản tiền vốn nhàn rỗi không?

Trả lời: Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính về xác định thu nhập được hưởng thuế TNDN trong trường hợp  doanh nghiệp có dự án đầu tư được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp do đáp ứng điều kiện về lĩnh vực ưu đãi đầu tư, trường hợp doanh nghiệp bạn đang được hưởng ưu đãi theo lĩnh vực thì khoản lãi tiền gửi có kỳ hạn không được hưởng ưu đãi thuế TNDN do không liên quan trực tiếp đến hoạt động SXKD được hưởng ưu đãi.

Câu hỏi 8: Trong năm 2023 công ty tôi có vay ngân hàng, nhưng do khó khăn đến thời hạn Công ty chưa thanh toán được cho ngân hàng nên phải trả khoản lãi vay quá hạn. Như vậy DN có được trừ khoản khi tính thuế TNDN không?

Trả lời: Căn cứ quy định về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế quy định tại  Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC, trường hợp doanh nghiệp phát sinh khoản chi trả lãi tiền vay để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật, không thuộc các khoản chi không được trừ thì được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Câu hỏi 9: Các khoản phạt hợp đồng thi công như phạt tiến độ thi công, phạt an toàn vệ sinh, phạt thất thoát vật tư thi công… những khoản chi trên có được tính vào chi phí hợp lý khi quyết toán thuế TNDN?

Trả lời: Căn cứ quy định về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế quy định tại  Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC, trường hợp các khoản phạt hợp đồng thi công liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định, không thuộc các khoản tiền phạt về vi phạm hành chính thì được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.

Câu hỏi 10: Doanh nghiệp tôi có chi trả khoản tiền lương của những ngày nghỉ phép chưa dùng trong năm cho người lao động trong doanh nghiệp thì khoản chi này có được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN hay không?

Trả lời: Trường hợp Công ty phát sinh khoản chi thanh toán những ngày phép chưa nghỉ cho người lao động đáp ứng quy định tại Bộ Luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành; quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính thì được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế Thu nhập doanh nghiệp.

Câu hỏi 11: Trường hợp người lao động tự nguyện làm thêm giờ và doanh nghiệp có thanh toán khoản lương làm thêm giờ cho người lao động thì khoản chi phí tương ứng số giờ làm thêm vượt mức quy định tại Bộ luật lao động có đủ điều kiện là chi phí được trừ cho mục đích thuế TNDN hay không?

Trả lời: Theo pháp luật về lao động thì người lao động được làm thêm không quá 200 giờ/năm và một số ngành nghề công việc đặc biệt thì được làm thêm không quá 300 giờ/năm.

Theo pháp luật thuế, để được tính vào chi phí được trừ thì khoản chi phải có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định pháp luật.

Như vậy, khoản chi làm thêm giờ vượt mức 200-300 giờ/người/năm là vi phạm pháp luật về lao động nên không đảm bảo điều kiện để được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Chi cục Thuế Quận 3 kính gửi tài liệu tham khảo hướng dẫn đến các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện quyết toán năm 2023 mọi thông tin hỗ trợ xin liên hệ trực tiếp Chi cục Thuế Quận 3 tại địa chỉ: 152-154 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, Quận 3; số điện thoại liên hệ: 028.39349001./.

Chi cục Thuế Quận 3