Ra đời ngày 29/04/1985, đến nay Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ - số 202 Võ Thị Sáu, Phường 7, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành một địa chỉ quen thuộc với khách tham quan trong nước, nhất là các tầng lớp phụ nữ và khách nước ngoài đến tham quan thành phố Hồ Chí Minh. Tiền thân của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ là Nhà truyền thống phụ nữ Nam bộ được xây dựng theo tâm nguyện và ý chí của các thế hệ phụ nữ đi trước nhằm giữ gìn, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống tốt đẹp của Phụ nữ Việt Nam cho các thế hệ mai sau.

leftcenterrightdel
 

                                                                  Tượng đài Bà Mẹ

      Được sự chấp thuận của Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng, tháng 1 năm 1983, Tổ nghiên cứu lịch sử phụ nữ Nam bộ (gọi tắt là Tổ Sử Phụ nữ Nam bộ) được thành lập. Tổ Sử Phụ nữ gồm 13 nữ cán bộ lão thành, đa số đã nghỉ hưu, tự nguyện tham gia công tác tổng kết lịch sử phong trào phụ nữ Nam bộ, do bà Nguyễn Thị Thập – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa 2,3,4, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (từ năm 1956 đến năm 1974) phụ trách.

      Với tinh thần làm việc khẩn trương của Tổ Sử Phụ nữ Nam bộ, ngày 29/4/1985, nhân kỷ niệm 10 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Nhà truyền thống Phụ nữ Nam bộ được khánh thành với diện tích 200m2 gồm 6 phòng trưng bày chuyên đề. Hoạt động chưa đầy 1 năm, Nhà truyền thống Phụ nữ Nam bộ đã đón cả 100.000 lượt khách tham quan trong và ngoài nước, đặc biệt là ở các tỉnh thành phía Nam.

      Song, thực tế cho thấy với một diện tích trưng bày khiêm tốn như trên, Nhà truyền thống Phụ nữ Nam bộ không thể nào chuyển tải hết nội dung cũng như thể hiện được các mặt tiêu biểu, đặc thù của phụ nữ miền Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Do đó, ngày 8/3/1986, được Trung Ương Đảng và Nhà nước cho phép, Tổ sử Phụ nữ Nam bộ khởi công xây dựng bảo tàng mới có diện tích 3.000m2 với sự ủng hộ tích cực về tiền bạc, vật tư của của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các cá nhân, kiều bào, …

      Qua 4 năm vừa lo vận động kinh phí vừa thi công xây dựng, vừa tích cực sưu tầm tư liệu, hiện vật và biên soạn quyển “Truyền thống đấu tranh cách mạng của Phụ nữ Nam bộ thành đồng” là một nỗ lực rất lớn của Tổ Sử Phụ nữ Nam bộ và của lớp cán bộ trẻ đầy tâm huyết với việc cho ra đời một bảo tàng về phụ nữ Nam bộ. Đây là một bảo tàng được xây dựng theo phương thức xã hội hóa đầu tiên ở Việt Nam.

      Ngày 18/05/1990, lễ khánh thành Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ được tổ chức trọng thể trong không khí tưng bừng cả nước kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Bác Hồ. Bảo tàng có diện tích sử dụng 5.410,5m2, một hội trường có sức chứa gần 1.000 người, hệ thống kho bảo quản trên 700m2. Từ đó đến nay, dưới sư' lãnh đạo của Ủy Ban Nhân Dân TP.HCM, Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch) và sự hỗ trợ của Cục Di sản Văn hóa, tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, đồng bào ở các địa phương, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã từng bước trưởng thành và khẳng định được vị trí trong hệ thống bảo tàng cả nước. Hơn 20 năm hoạt động, Bảo tàng Phụ nư Nam Bộ có nhiều nỗ lực chủ động sáng tạo trong các mặt công tác chuyên môn nhằm giáo dục truyền thống của Phụ nữ Việt Nam cho công chúng và trở thành điểm đến – nơi họp mặt truyền thống, giao lưu, sinh hoạt văn hóa,  …của các thế hệ phụ nữ Việt Nam.

leftcenterrightdel
 

                                                      Toàn cảnh Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ

      Bảo tàng hiện quản lý 31.360 hiện vật. Trong đó có 30.431 hiện vật trong kho và 929 hiện vật đang trưng bày; 16.739 hiện vật thể khối và 14.621 phim, ảnh, tài liệu khoa học phụ các loại; gần 2/3 là hiện vật loại hình chiến tranh cách mạng với hơn 1/3 là hiện vật văn hóa bao gồm nhiều chất liệu. Các hiện vật được chia thành 24 sưu tập theo chủ đề hoặc theo chất liệu, trong đó có 6 sưu tập hiện vật quí hiếm. Hầu hết hiện vật được bảo quản theo đúng hướng dẫn của Cục Di sản Văn hóa theo từng chất liệu với ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm thích hợp. Hiện vật được quản lý trong máy tính theo phần mềm do Cục Di sản hướng dẫn. Mỗi năm có tiến hành xịt mối mọt, bảo quản thường xuyên và bảo quản định kỳ hiện vật. Ngoài ra, thư viện của bảo tàng có trên 11.000 đầu sách chuyên đề về phụ nữ.

      Đến nay, đã có hơn 3 triệu lượt khách đến tham quan và tham gia những hoạt động của Bảo tàng trong đó có hơn 4.000 đoàn khách trong nước và gần 1.500 đoàn khách quốc tế, trên 50 đoàn lãnh đạo cao cấp trong và ngoài nước.

Thùy Linh, sưu tầm từ

Nguồn: www.baotangphunu.com