Trên địa bàn Quận 3 hiện có 08/12 phường đã triển khai lắp đặt gần 100 điểm chữa cháy công cộng.

Qua đó mô hình “điểm chữa cháy công cộng” được bố trí tại các ngõ, hẻm sâu tập trung nhiều nhà có chiều sâu 50m trở lên, xe chữa cháy không thể tiếp cận được; trang bị sẵn các phương tiện như: Bình chữa cháy, xà beng, búa, kìm thủy lực. Bố trí các điểm chữa cháy thuận lợi cho việc sử dụng các phương tiện để chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; không cản trở đi lại của người dân, tránh mưa nắng và có biển thông báo.

Do vậy, mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” đã góp phần thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng cháy chữa cháy, làm giảm thiểu các sự cố cháy, nổ xảy ra tại khu dân cư, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Ngoài ra, cán bộ tuyên truyền của Công an Quận 3 đã hướng dẫn sử dụng các phương tiện chữa cháy cho người dân biết cách sử dụng các phương tiện chữa cháy, cứu hộ ban đầu được bố trí tại các điểm chữa cháy công cộng.

Ông Long – người dân sinh sống tại tuyến hẻm 358 Cách Mạng Tháng Tám, Phường 10, Quận 3, phấn khởi nói: “Tôi rất mừng vì cụm dân cư chúng tôi được đặt các thiết bị  phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Bà con trong tuyến hẻm thống nhất với nhau lắp đặt điểm chữa cháy công cộng gồm: 01 hộp tủ, 01 bình bột, 01 bình khí, 01 búa, 01 kìm cộng lực, 01 xà beng, 01 bộ nội quy tiêu lệnh và niêm yết số điện thoại của Công an Phường. Nếu có sự cố liên quan đến cháy nổ, người dân chỉ việc chạy lại điểm chữa cháy công cộng này, để lấy các phương tiện này để chữa cháy hoặc cứu nạn cứu hộ ngay khi mới phát sinh”.

Nhà ông Long kinh doanh bán tạp hóa, nhiều hàng hóa dễ cháy. Để phòng ngừa hiểm họa, ông Long đã trang bị thêm 03 bình chữa cháy xách tay, 02 đèn chiếu sáng sự cố, 02 đèn chỉ dẫn thoát nạn. “Tôi mua để bảo vệ chính gia đình mình hoặc khi trong tổ dân phố có cháy thì đem phương tiện đi để giúp mọi người chữa cháy, vì khi xảy ra cháy lớn thì hậu quả khôn lường,...”. Ông Long chia sẻ thêm.

Mô hình “điểm chữa cháy công cộng” được Công an Quận 3 tham mưu cho các cấp thành tập từ đầu năm đến nay, nhằm xây dựng, củng cố lực lượng PCCC tại chỗ, qua đó hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy nổ gây ra. Hiện tại, mô hình đã được nhân rộng 08/12 phường trên địa bàn quận.

Công an thường xuyên tập huấn và tổ chức thực hành các tình huống cháy, nổ giả định. Bà Nguyễn Thị Lan sinh sống tại tuyến hẻm 322 Cách Mạng Tháng Tám, Phường 10, Quận 3 cho biết: “Nhờ được hướng dẫn, ngoài các biện pháp bảo đảm an toàn đã biết phân biệt được các loại bình chữa cháy khác nhau, tính năng, cách sử dụng của từng loại. Sau khi các điểm chữa cháy công cộng được đặt ở gần đây, tôi và gia đình thêm yên tâm vì khi có việc không may xảy ra thì đã có bà con lối xóm đến để cùng nhau xử lý, không để ảnh hướng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản”.

Thượng tá Lê Quốc Bảo – Phó Trưởng Công an Quận 3, cho biết: “Người dân sinh sống trên địa bàn Quận 3 luôn nhận thức được tầm quan trọng và rất quan tâm đến công tác phòng cháy chữa cháy. Cứ 15-20 hộ nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh lại có một một điểm chữa cháy công cộng. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình này, chúng tôi mạnh dạn tham mưu đề xuất UBND Quận 3 chỉ đạo UBND các phường, tại các khu phố đều có ít nhất một điểm chữa cháy công cộng và tiến tới nhân rộng đến từng tổ dân phố”.

leftcenterrightdel
 Đại úy Vũ Hoài Thanh – trao bình chữa cháy cho người người dân.

Lê Minh Tuấn